Tại sao có nhiều người đều có triệu chứng nướu sưng viêm và đau như nhau nhưng đi khám bác sĩ lại kết luận bệnh khác nhau? Người thì cho là viêm nướu, người thì được xác định là viêm nha chu. Vậy bệnh viêm nướu răng và viêm nha chu có gì khác nhau? Hãy cùng tìm hiểu về hai bệnh này nhé.
1. Bệnh viêm nướu răng có tình trạng như thế nào?
Bệnh viêm nướu răng chính là tình trạng nướu răng trong miệng (nướu phủ trên phạm vi 1 răng hay nhiều răng) bị sưng viêm.
Dấu hiệu nhận biết của tình trạng này là:
- Nướu đột nhiên ửng đỏ, sưng phồng hơn các vùng còn lại, và gây đau nhức. Nếu viêm càng nhiều thì màu sắc sẽ càng đỏ sậm và nướu có thể căng bóng phồng to lên. Khi đánh răng hay cắn thức ăn gây tác dụng lực lên nướu còn có thể gây chảy máu chân răng.
- Lúc bệnh tiến triển nặng hơn, thì khi ta ấn vào vùng nướu sưng phồng có thể có dịch trắng đục chảy ra. Vùng viêm nhiễm còn gây ra mùi hôi rất khó chịu.
2. Bệnh viêm nha chu thì sẽ có những biểu hiện ra sao?
Đối với bệnh này thì nơi viêm nhiễm sẽ là tổ chức quanh răng bao gồm: nướu răng, xương ổ răng, hệ thống dây chằng nha chu. Tác hại của căn bệnh này sẽ làm phá hủy các cấu trúc tự nhiên của tổ chức quanh răng và cả cấu trúc răng. Dẫn đến hậu quả cuối cùng là khiến răng lung lay và rụng đi.
Nếu chỉ nhìn bằng mắt thường thì bệnh viêm nha chu có dấu hiệu ban đầu cũng giống như bệnh viêm nướu răng. Vì nó cũng sẽ xuất hiện tình trạng là nướu sưng đỏ, viêm đau, cũng bị chảy máu chân răng hay chảy mủ, và cũng có tình trạng ê buốt răng. Tuy nhiên, khi nha sĩ khám thực tế, sử dụng các dụng cụ chuyên biệt, sẽ xác định được đúng loại bệnh.
Vì viêm nha chu sẽ gây tổn thương nặng nề đên các tổ chức xung quanh răng, điển hình chính là miệng luôn có mùi hôi, tụt nướu làm lộ chân răng dài ra, làm tiêu xương ổ răng khiến răng lung lay và rụng đi.
3. Phòng bệnh luôn tốt hơn chữa bệnh
Các lời khuyên từ các chuyên gia răng miệng luôn có lí do muốn giúp bạn phòng bệnh thật tốt.
Chẳng hạn như:
- Nên đánh răng sạch sẽ tối thiểu 2 lần mỗi ngày, mỗi lần đánh răng nên duy trì trong 2 phút.
- Cần kết hợp chỉ nha khoa để làm sạch kẻ răng, chân răng. Với một số đối tượng, có thể có thể dùng máy tăm nước, hay bàn chải điện.
- Nên súc miệng với nước muối sinh lý để hạn chế, kìm hãm vi khuẩn trong khoang miệng phát triển.
- Hạn chế ăn vặt trước khi ngủ, hạn chế ăn thực phẩm cay nóng hay chứa nhiều đường.
- Tập thói quen khám răng, lấy vôi răng, đánh bóng răng theo định kỳ từ 3-6 tháng/ lần.